Giới thiệu VNISA

Chi hội An toàn Thông tin phía Nam


Giới thiệu

Cùng với sự phát triển của công nghệ thông tin, vấn đề bảo mật và an toàn thông tin (ATTT) trở nên ngày càng quan trọng và cấp thiết. Trên thực tế đó, Hiệp hội An toàn Thông tin Việt Nam (viết tắt là VNISA) đã ra đời theo Quyết định số 1078/QĐ-BNV của Bộ Nội Vụ nước CHXHCN Việt Nam ngày 14/08/2007. Đây là một tổ chức xã hội nghề nghiệp phi lợi nhuận đầu tiên hoạt động trong lĩnh vực bảo mật và an toàn thông tin được nhà nước Việt Nam công nhận. VNISA tập hợp các cá nhân, tổ chức đang hoạt động trong lĩnh vực ATTT nhằm tuyên truyền nhận thức, phát triển công nghệ và đẩy mạnh ứng dụng đảm bảo ATTT trong mọi lĩnh vực kinh tế, xã hội.
 
Hiệp hội An toàn Thông tin Việt Nam hoạt động trong các lĩnh vực:

  1. Tổ chức sự kiện, hội thảo, tọa đàm, báo cáo chuyên đề về ATTT.
  2. Khảo sát, điều tra về ATTT trên phạm vi vùng miền và toàn quốc.
  3. Tư vấn và đào tạo chuyên sâu cho các tổ chức, cá nhân về giải pháp và ứng dụng trong lĩnh vực ATTT.
  4. Dịch vụ tư vấn và phản biện về ATTT.
  5. Dịch vụ đánh giá về an ninh và bảo mật thông tin.
  6. Tổ chức các cuộc thi, trình diễn về ATTT.
  7. Chủ trì hợp tác với các hội, các doanh nghiệp trong và ngoài nước có liên quan để trao đổi, học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm, cùng giúp đỡ nhau nhằm phát triển và đẩy mạnh ứng dụng ATTT.

 
Tôn chỉ hoạt động

Hiệp hội An toàn Thông tin Việt Nam là một tổ chức xã hội nghề nghiệp tự nguyện phi lợi nhuận của các cá nhân, tổ chức làm công tác nghiên cứu, giảng dạy, ứng dụng và phát triển ATTT; của những người quan tâm, có đóng góp, tạo điều kiện cho sự nghiệp khoa học và phát triển công nghệ, ứng dụng trong lĩnh vực ATTT theo nhu cầu xã hỗi và định hướng chiến lược ATTT của nhà nước Việt Nam.
 
Chức năng nhiệm vụ

  1. Khuyến khích và giúp đỡ hội viên nâng cao trình độ nghiệp vụ và ứng dụng kỹ thuật, công nghệ ATTT bằng nhiều hình thức khác nhau như mở lớp đào tạo cơ bản và chuyên sâu, các câu lạc bộ trong từng lĩnh vực, các giải thưởng ATTT.
  2. Động viên hội viên luôn giữ gìn lương tâm và trách nhiệm nghề nghiệp, phục vụ lợi ích của xã hội, phát huy tinh thần tích cực và khả năng sáng tạo, thúc đẩy sự phát triển ATTT, đem những thành tựu công nghệ ATTT phục vụ công cuộc xây dựng đất nước, đồng thời giúp đỡ, bảo vệ mọi quyền lợi chính đáng của các hội viên trong khuôn khổ pháp luật Việt Nam.
  3. Tổ chức và giúp đỡ các hoạt động liên kết kinh tế - khoa học và ứng dụng ATTT góp phần giải quyết việc làm cho các hội viên.
  4. Thông tin, tuyên truyền, phổ biến kiến thức ATTT trong hội viên và xã hội. Khuyến khích động viên, khen thưởng kịp thời các thành tích hoạt động sáng tạo của hội viên.
  5. Thực hiện chức năng tư vấn, phản biện và giám định về ATTT theo yêu cầu, đóng góp ý kiến với các cơ quan nhà nước về những chủ trương, cơ chế, chính sách, các dự án liên quan đến ATTT. Tư vấn, đánh giá công cụ, giải pháp ATTT.
  6. Hợp tác với các hội hoạt động trong lĩnh vực ATTT ở nước ngoài về ATTT theo quy định của pháp luật. Khuyến khích và tạo điều kiện cho hội viên gặp gỡ, trao đổi và hợp tác với các tổ chức ATTT quốc tế. Tập hợp và động viên các chuyên gia ATTT Việt Nam ở nước ngoài tham gia nghiên cứu, ứng dụng và kinh doanh dịch vụ về ATTT tại Việt Nam.
  7. Liên hệ mật thiết với các cơ quan nhà nước và các tổ chức xã hội khác để đề đạt ý kiến về chính sách xây dựng và phát triển ATTT trong từng giai đoạn. Tổ chức thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học, các dự án ứng dụng ATTT. Tham gia các chương trình đào tạo phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực ATTT khi được các cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu.
  8. Phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước trong việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật và chính sách quốc gia về ATTT khi có yêu cầu. Động viên tiềm lực tình nguyện của Hiệp hội tham gia các hoạt động đảm bảo ATTT của quốc gia, hỗ trợ các cơ quan chức năng của Nhà nước khi có yêu cầu, đặc biệt trong các trường hợp khẩn cấp liên quan đến ATTT mà có ảnh hưởng lớn về kinh tế - xã hội và an ninh quốc phòng của đất nước.

 
Điều kiện trở thành hội viên

  1. Mọi công dân, tổ chức Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực ATTT, tán thành tôn chỉ, mục đích, điều lệ và quy chế của Hiệp hội, tự nguyện làm đơn gia nhập đều có thể trở thành hội viên của Hiệp hội.
  2. Công dân, tổ chức Việt Nam không có điều kiện trở thành hội viên của Hiệp hội nhưng có đóng góp với Hiệp hội, có thể được Hiệp hội công nhận là hội viên danh dự.
  3. Ban Chấp hành Trung ương Hiệp hội ban hành quy chế về trình tự, thủ tục gia nhập Hiệp hội.

 
Thành phần hội viên

Hiệp hội bao gồm hai nhóm hội viên chính là hội viên tập thể và hội viên cá nhân. Hội viên tập thể là các tổ chức, doanh nghiệp phát triển, ứng dụng hệ thống thông tin; các đơn vị quản lý, có khả năng tư vấn về ATTT, cung cấp giải pháp về ATTT, nghiên cứu và đào tạo về ATTT; các đơn vị có nhu cầu cao về ứng dụng các giải pháp ATTT. Còn hội viên cá nhân là những chuyên gia hoạt động trong lĩnh vực ATTT, nhiệt tình tham gia, tuân thủ các quy định của Hiệp hội; và có thể mở rộng đối với sinh viên các trường đại học.
 
Cơ cấu tổ chức: Chi hội VNISA phía Nam

Chi hội ATTT phía Nam là cánh tay nối dài của Hiệp hội An toàn Thông tin Việt Nam (VNISA), nơi tập hợp các hội viên sinh hoạt tại phía Nam. Chi hội được chính thức thành lập từ ngày 15/09/2008, hoạt động tuân thủ theo điều lệ và chỉ đạo thống nhất của Hiệp hội. Cơ cấu tổ chức của Chi hội bao gồm Ban Chấp hành (BCH), Văn phòng, các ban công tác và chuyên môn.
  
 
Quyền lợi của hội viên Chi hội

  1. Được tham gia mọi hoạt động của Chi hội, tham gia thảo luận và biểu quyết các nội dung công tác của Chi hội.
  2. Có quyền tiếp cận các thông tin hoạt động của Chi hội.
  3. Được quyền tham gia ứng cử, bầu cử vào các vị trí lãnh đạo và các vị trí công tác khác của Chi hội.
  4. Được Chi hội hỗ trợ, bảo vệ các lợi ích hợp pháp trong phạm vi khả năng và trách nhiệm của Chi hội.
  5. Được Chi hội tạo điều kiện đưa các kết quả nghiên cứu và ứng dụng, các sáng kiến phát minh về An toàn Thông tin trong nước và quốc tế nhằm chia sẻ kinh nghiệm, nâng cao trình độ, tìm kiếm cơ hội học tập và hợp tác kinh doanh.
  6. Được nhận (miễn phí hoặc chi phí ưu đãi) các dịch vụ hỗ trợ và tư vấn do Chi hội cung cấp. Các dịch vụ này có thể bao gồm: các bản tin, các ấn phẩm, các sự kiện, hội thảo, tọa đàm chuyên đề về an toàn thông tin, các kết quả nghiên cứu, các dịch vụ mở rộng và tiếp cận thị trường.
  7. Được tham gia các khóa đào tạo về An toàn Thông tin do Chi hội tổ chức với mức phí ưu đãi dành cho Hội viên.
  8. Được tham gia các chương trình dã ngoại, hoạt động thể thao, từ thiện,… do Chi hội tổ chức.
  9. Được xin ra khỏi Chi hội khi có nguyện vọng.

 
Sự kiện thường niên: Ngày An toàn Thông tin Việt Nam

“Ngày An toàn Thông tin Việt Nam” nằm trong khuôn khổ các sự kiện thường niên quy mô quốc gia của VNISA, dựa trên những tiêu chí chung của Hiệp hội và thể hiện sự gắn kết giữa Nhà nước – Xã hội – Doanh nghiệp trong lĩnh vực ATTT. Đây cũng là cơ hội tiếp cận, chia sẻ những kiến thức, công nghệ bảo mật tiên tiến nhất giữa các đơn vị tham gia.


- Với tiêu chí hướng đến doanh nghiệp, hướng đến cộng đồng, “Ngày An toàn Thông tin Việt Nam” luôn vì mục tiêu nâng cao nhận thức của cộng đồng về tầm quan trọng của ATTT trong môi trường kinh doanh mới dựa trên nền tảng của các hệ thống công nghệ thông tin và truyền thông; đồng thời cũng đề cập đến những giải pháp, hạ tầng kỹ thuật cần thiết nhằm đảm bảo các yêu cầu cơ bản về ATTT đối với các tổ chức, doanh nghiệp.

- Ngoài ra, Chi hội còn thường xuyên tổ cức các buổi sinh hoạt chuyên môn theo các mảng chủ đề cụ thể định kỳ hàng tháng, là nơi để các đơn vị và cá nhân là chuyên gia trong lĩnh vực trao đổi các vấn đề học thuật, cũng như triển khai và ứng dụng ATTT.

---o0o---