HỌP BÁO RA MẮT CHUỖI SỰ KIỆN AN TOÀN THÔNG TIN 2022

Hội thảo và triển lãm quốc tế An toàn thông tin khu vực phía Nam năm 2022 với chủ đề “Bảo vệ tài nguyên số và chiến lược an toàn, an ninh mạng trước thách thức toàn cầu mới” do Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam (VNISA) – Chi hội phía Nam phối hợp cùng Cục An toàn Thông tin, Sở Thông tin Truyền thông TP.HCM đồng tổ chức là sự kiện quan trọng thu hút sự quan tâm của giới khoa học công nghệ trong lĩnh vực Công nghệ thông tin (CNTT) và An toàn thông tin (ATTT) cũng như sự quan tâm của lãnh đạo các cơ quan, doanh nghiệp đang triển khai các ứng dụng chuyển đổi số, các cơ quan quản lý Nhà nước ở Trung ương và trên địa bàn các tỉnh thành phía Nam.


Đại diện Chi hội Vnisa phía Nam chủ trì buổi họp báo

Hội thảo trực tiếp sẽ diễn ra vào thứ sáu, ngày 26/08/2022 tại Trung tâm hội nghị GEM Center – số 8, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Quận 1, TP. HCM. Đồng thời, Hội thảo cũng được tổ chức trực tuyến tại kênh livestream Facebook / kênh riêng Youtube. Ngoài ra, các thông tin về chương trình sẽ được cập nhật liên tục trên Landing page của Hội thảo và Website Chi hội.

Chuỗi hoạt động xoay quanh sự kiện

Hội thảo và triển lãm quốc tế An toàn thông tin khu vực phía Nam năm 2022 là dịp để các nhà lãnh đạo chia sẻ tầm nhìn, định hướng mục tiêu nhiệm vụ và giao lưu cùng các doanh nghiệp, cộng đồng CNTT và ATTT, là nơi để các chuyên gia, các nhà khoa học, các đơn vị ứng dụng và cung cấp sản phẩm dịch vụ CNTT và ATTT trong và ngoài nước, chia sẻ kinh nghiệm, tri thức về lĩnh vực An ninh, An toàn thông tin, là nơi giới thiệu những thành tựu về công nghệ mới nhằm đáp ứng các đòi hỏi của xu thế phát triển công nghệ, phục vụ công cuộc chuyển đổi số đang diễn ra sâu rộng trong các cơ quan, doanh nghiệp và người dùng cá nhân.

Hội thảo cùng chuỗi các sự kiện ATTT 2022 được tổ chức trong bối cảnh, khi mà Công nghệ, trong đó có Công nghệ thông tin (CNTT), là con tàu đưa con người tới những tầm cao mới. Chuyển đổi số (CĐS), một từ khóa với khoảng 22 triệu kết quả được Google trả về tức thì đang tạo ra những phương thức quản lý mới của Chính phủ đối với tài nguyên, môi trường, doanh nghiệp, con người..., đang hiện thực các mô hình kinh tế gần như hoàn toàn trên môi trường số với sự liên kết của nhiều lĩnh vực khác nhau cho phép mỗi cá nhân như một chủ thể tham gia vào thế giới số, tạo ra và thụ hưởng các dịch vụ, cách thức làm việc hoàn toàn khác biệt. Việt Nam không chỉ bám sát, theo đuổi các xu hướng CĐS, mà còn đang cố gắng vượt lên, dẫn đầu trong một số lĩnh vực. Quan trọng hơn cả, chúng ta đã hiểu rằng ứng dụng công nghệ đang là một cơ hội có một không hai giúp đất nước có những sức bật mới để trở thành nước phát triển. Chúng ta cũng hiểu rằng chỉ có rất ít con đường để thành công, nhưng có vô vàn yếu tố làm cho CĐS thất bại. Người dân sẽ quay lưng với CĐS khi mà ứng dụng lại không hoạt động (mất tính khả dụng) khi họ cần; thông tin cá nhân của họ bị rò rỉ (mất tính bảo mật) khi họ sử dụng CĐS. Đó cũng là các bài toán căn bản của ATTT và là điều căn bản cần có của CĐS.

Chiến lược chuyển đổi số quốc gia cũng khẳng định: “Đảm bảo an toàn, an ninh mạng là then chốt để chuyển đổi số thành công và bền vững, đồng thời là phần xuyên suốt, không thể tách rời của chuyển đổi số. Mọi thiết bị, sản phẩm, phần mềm, hệ thống thông tin, dự án đầu tư về CNTT đều có cấu phần bắt buộc về an toàn, an ninh mạng ngay từ khi thiết kế”.

Thế giới đang chứng kiến những cuộc xung đột địa chính trị, những cuộc chiến tranh nóng gây bao đau thương mất mát cho người dân và bất ổn luôn thường trực ở khắp mọi điểm nóng trên thế giới. Các cuộc chiến tranh hiện đại tất yếu sử dụng mọi vũ khí tấn công, trong đó tấn công mạng và chiến tranh mạng luôn được sử dụng đầu tiên. ATTT đã tham gia trực tiếp trong các xung khắc địa chính trị như một vũ khí tối thượng, không gian số đã trở thành một chiến trường. Trước những đòi hỏi và thách thức toàn cầu mới chúng ta cần một tư duy mới trong chiến lược đảm bảo an toàn, an ninh mạng ở mọi cấp độ từ Chính phủ đến các cơ quan doanh nghiệp và kể cả người dân. Đảm bảo an toàn, an ninh mạng là bảo vệ tài nguyên số quốc gia, tài sản số của các cơ quan doanh nghiệp và của chính người dân.

Tại Hội thảo, Chi hội VNISA phía Nam sẽ trình bày báo cáo về bức tranh tổng thể ATTT của khu vực phía Nam cũng như tình hình ATTT chung của Việt Nam và thế giới, nêu lên những cảnh báo, phòng ngừa và các khuyến nghị thiết thực với các cơ quan, doanh nghiệp trong bối cảnh chuyển đổi số đang diễn ra song song với những thách thức toàn cầu mới khi địa chính trị thế giới có những bước ngoặt không lường trước được.

Dựa trên khảo sát của VNISA 2022, dưới đây là 10 đặc điểm chính trong kết quả khảo sát năm nay dự kiến sẽ được trình bày trong Báo cáo của Chi hội VNISA phía Nam:

1. Khảo sát dựa trên phân bổ khá đồng đều về kích cỡ các đơn vị tham gia (34% công ty nhỏ dưới 50 máy tính; 39% dưới 300 và 27% trên 300).

2. Có tới 65% ý kiến cho rằng kinh phí đầu tư cho ATTT chiếm chưa đến 5% đầu tư cho CNTT của đơn vị.

3. Tỷ lệ cần về nhân lực “Cần ngay” luôn lớn hơn tỷ lệ “Đã đào tạo” trong cả 3 lĩnh vực chính của ATTT là quản lý chung, kỹ sư về phòng chống mã độc và kỹ sư đảm bảo ATTT cho ứng dụng. Tỷ lệ “Cần đào tạo trong thời gian tới” còn cao hơn nữa chứng tỏ nhu cầu nhân lực của ngành ATTT đang và sẽ rất lớn.

4. Quy trình thao tác chuẩn (Standard Operating Procedures) để phản hồi lại các sự cố mất ATTT vẫn cần phải cải thiện vì chưa đến 50% (so với 60% của năm trước) đơn vị có áp dụng quy trình này.

5. Phần lớn ý kiến (54%) cho rằng đối tượng đáng lo ngại nhất vẫn là tội phạm máy tính như hacker bất hợp pháp.

6. Làm việc, hội họp trên mạng thông qua các nền tảng trực tuyến như MS Team, Zoom, Google meet trong và sau dịch Covid-19 là phương thức phổ biến với hầu hết doanh nghiệp đều nói “có”. Tuy nhiên, có tới 12% đơn vị sẽ thực hiện họp trực tiếp sau cách ly Covid-19. Phải chăng hiệu quả của làm việc từ xa, họp qua mạng vẫn là trở ngại đối với hoạt động của doanh nghiệp như chúng tôi nhận thấy từ khá nhiều phàn nàn.

7. Đánh giá, thẩm định về ATTT cho các ứng dụng trước khi đưa vào sử dụng chính thức được đa số các doanh nghiệp thực hiện (90%). Sau đó doanh nghiệp tự tổ chức (47%) và/hoặc thuê đánh giá từ ngoài (35%) trong quá trình vận hành.

8. Bảo vệ dữ liệu bằng sao lưu tập trung (92%) và mã hóa dữ liệu (69%) được các doanh nghiệp thực hiện. Như vậy biện pháp hữu hiệu để chống lại ransomeware và chống lộ bí mật thông tin đã được nhiều doanh nghiệp quan tâm.

9. Nâng cao nhận thức người sử dụng (56%) vẫn là vấn đề khó nhất, đáng quan tâm hàng đầu của doanh nghiệp trong bài toán ATTT. Với sự phát triển của CDS, khi mà mỗi công dân đều là người dùng cuối, thì bài toán này sẽ còn lớn tới mức nào và cần sự quan tâm của toàn xã hội ngay từ hôm nay.

10. Thuê ngoài (66%), đặc biệt là thuê tư vấn về hệ thống ATTT (6%) vẫn còn thấp nếu chúng ta quan niệm rằng đảm bảo ATTT một cách chuyên nghiệp cần được thực thi bởi đội ngũ chuyên nghiệp và thiết kế hệ thống là bước đầu tiên nhưng quan trọng nhất cho một hệ thống ATTT phục vụ tốt kinh doanh.

Bên cạnh hoạt động chính của Hội thảo diễn ra vào ngày 26/8/2022 tại Trung tâm hội nghị GEM Center – số 8, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Quận 1, TP. HCM, còn có chuỗi các hoạt động quan trọng khác theo thứ tự thời gian như sau:

 Ngày 21/8/2022 hoạt động thể thao: Tổ chức giải “Golf VNISA 2022” tại Sân Golf Tân Sơn Nhất, số 6 Tân Sơn, Quận Gò vấp nhằm tạo mối liên kết giữa các thành viên trong và ngoài VNISA phía Nam thông qua hoạt động thể thao Golf.

 Ngày 25/8/2022 tại Khách sạn Grand, số 8 Đồng Khởi, Quận 1: Tọa đàm lãnh đạo về ATTT dành cho lãnh đạo Bộ TTTT, Cục ATTT, lãnh đạo các Sở Thông tin – Truyền thông để trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về công tác quản lý trong lĩnh vực ATTT, những khó khăn thách thức và giải pháp cho một môi trường phát triển kinh tế - xã hội an toàn, an ninh và bảo mật.

 Ngày 07-09/9/2022 tại Công viên Phần mềm Quang Trung, Quận 12, TP. HCM: Tổ chức Diễn tập thực chiến ATTT nhằm nâng cao nhận thức về ATTT; kiểm tra tính sẵn sàng, bồi dưỡng kỹ năng chuyên môn của các kỹ sư trong giám sát, phát hiện và xử lý các sự cố về ATTT. Với sự ra đời của HISSC - Trung tâm chuyên trách về ATTT của TP. HCM, công tác diễn tập ATTT sẽ được tổ chức định kỳ, thường xuyên để thành phố chúng ta luôn có đầy đủ nhân lực cùng trang thiết bị phục vụ cho giám sát, phát hiện và xử lý nhanh chóng các sự cố về ATTT trên địa bàn Thành phố.

 Ngày 8/11/2022, phối hợp cùng với Hiệp hội ATTT VNISA tại Hà Nội: Tổ chức chung kết cuộc thi “Sinh viên với ATTT Asean 2022”. Trước đó, cuộc thi vòng sơ khảo các khu vực sẽ được tổ chức tại các nơi khác nhau, trong đó có khu vực phía Nam. Cuộc thi ATTT với sự tham gia của Sinh viên khu vực Asean đã trở thành một thử thách quốc tế từ năm 2021 và hứa hẹn sẽ mang lại nhiều gay cấn nhưng đầy thú vị mới. Đây là một hoạt động chính, quan trọng của VNISA nhằm tạo ra nguồn nhân lực – một yếu tố có tính chất quyết định – cho lĩnh vực ATTT.

Chuỗi sự kiện ATTT năm nay tiếp tục nhận được sự ủng hộ của các tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước trong lĩnh vực CNTT và ATTT như: IBM, VNPT, vCyber, Google, Fortinet, Nessar, Tech Data, HISSC, HPT, Đại Trần Gia, QD.Tek, Trellix,… và các đơn vị đồng tài trợ khác.

Bên cạnh các tổ chức tài trợ, Hội thảo và triển lãm ATTT 2022 còn nhận được sự bảo trợ của các tổ chức truyền thông như:Tạp chí An toàn thông tin, Tạp chí Doanh nhân Sài Gòn,Truyền hình Nhân dân,Tạp chí Nhịp cầu Đầu Tư, Tạp chí Kinh Tế Việt Nam, Truyền hình Công an nhân dân...

VNISA phía Nam xin trân trọng cảm ơn các cơ quan thông tấn báo chí trong nhiều năm vừa qua đã luôn đồng hành cùng VNISA trong các hoạt động truyền thông, nâng cao nhận thức về ATTT và chúng tôi mong tiếp tục nhận được sự ủng hộ của các Quý vị trong sự kiện Hội thảo lần này. Ban Tổ chức kính mời các cơ quan báo chí cùng tham dự và đưa tin về Hội thảo.

Nhân dịp này, Ban Tổ chức Hội thảo và Triển lãm quốc tế về ATTT khu vực phía Nam năm 2022 trân trọng kính mời các Quý vị là lãnh đạo các cơ quan quản lý Nhà nước, các Sở TTTT các tỉnh thành, các doanh nghiệp CNTT, ATTT Việt Nam và quốc tế, các cơ quan đơn vị ứng dụng và triển khai chuyển đổi số, các chuyên gia, cùng các trường đại học, các bạn sinh viên ngành CNTT, ATTT… hãy đồng hành để các sự kiện được diễn ra thành công tốt đẹp, đem lại nhiều tri thức, kinh nghiệm bổ ích cho mỗi cơ quan đơn vị và cho cá nhân.

VNISA vì một nền CNTT an toàn và bảo mật.

Xin chân thành cảm ơn và chúc Quý vị mạnh khỏe, thành công, hạnh phúc.

Ngô Vi Đồng

Phó Chủ tịch Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam (VNISA)

Chủ tịch Chi hội phía Nam