Sáng ngày 30/10/2019 tại TP.HCM, Chi hội VNISA phía Nam đã phối hợp với Cục ATTT – Bộ TT&TT và Sở TT&TT TP.HCM tổ chức Hội nghị Hợp tác và Phát triển sản phẩm dịch vụ ATTT. Đến tham dự hội nghị có Thư trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến cùng lãnh đạo các Sở Ban Ngành.
Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng phát biểu tại hội nghị
Tại hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng đã phát biểu khai mạc và nhấn mạnh tầm quan trọng của an toàn, an ninh mạng, là “điều kiện cơ bản yếu tố sống còn để thực hiện thành công chuyển đổi số, tạo ra môi trường an toàn để Chính phủ, doanh nghiệp, người dân sử dụng công nghệ số”.
Hiện cả nước mới chỉ có khoảng 80 doanh nghiệp cung cấp sản phẩm, dịch vụ an toàn, an ninh mạng. Trong đó, số doanh nghiệp nhập khẩu sản phẩm chiếm đa số, doanh nghiệp tự sản xuất còn chiếm tỷ trọng thấp. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp tuy được cấp phép nhưng vẫn xem an toàn thông tin là mảng giá trị gia tăng của dịch vụ công nghệ thông tin, viễn thông…
Xu hướng trong năm 2019 là các cuộc tấn công có chủ đích vào các cơ quan, tổ chức Nhà nước nhằm lấy cắp thông tin; giả mạo cơ quan Nhà nước đưa thông tin xuyên tạc, độc hại lên mạng và tấn công vào các hệ thống thương mại điện tử, tài chính ngân hàng. Các cuộc tấn công này sử dụng mã độc ngày càng tinh vi và nguy hiểm. Mỗi ngày có hàng trăm nghìn mã độc mới được sinh ra gây khó khăn cho các phần mềm diệt virus truyền thống.
Ông Ngô Vi Đồng – Phó Chủ tịch Hiệp hội An toàn Thông tin báo cáo tại hội nghị
Tại hội nghị, ông Ngô Vi Đồng - Phó Chủ tịch Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam cho biết các doanh nghiệp trong lĩnh vực ATTT đang gặp nhiều khó khăn do thiếu thông tin thị trường, hiện chưa có một khảo sát chính thức nào được thực hiện và công bố về quy mô, cấu trúc nhu cầu thị trường trong nước, trong khi các doanh nghiệp, hiệp hội không đủ khả năng (về tài chính, thẩm quyền) để tự thực hiện các khảo sát.
Theo đánh giá, xếp hạng an toàn thông tin mạng của Cục An toàn thông tin và Hiệp hội An toàn thông tin thực hiện năm 2018 tại 90 cơ quan Nhà nước bao gồm các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, thành phố…, không có cơ quan nào xếp loại A, tới 70% (63 cơ quan) xếp loại C và 56,2% cơ quan không có kinh phí cho an toàn, an ninh mạng.
Tọa đàm trao đổi về hiện trạng ATTT và các yêu cầu hợp tác, hỗ trợ từ cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp
Bên cạnh đó, ông Ngô Vi Đồng còn cho rằng sự phát triển nhanh chóng của công nghệ thông tin nói chung và an toàn thông tin nói riêng là thách thức lớn phải bắt kịp đối với các doanh nghiệp nội trong điều kiện thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao không chỉ giỏi về công nghệ thông tin mà còn phải chuyên sâu về những lĩnh vực hạ tầng, hệ thống, ứng dụng trong an toàn thông tin.
Ông Đỗ Công Anh - Phó Cục trưởng Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT) cho biết tồn tại hiện nay của ngành an toàn thông tin là các chủ đầu tư, các cơ quan nhà nước đều muốn kinh doanh thiết bị hơn và chỉ quan tâm thiết bị. Ngoài ra, bản thân các công ty cung cấp dịch vụ cũng vẫn quan tâm tới thiết bị. Có lẽ do mảng thiết bị dễ kinh doanh hơn dịch vụ.
Nguồn: Mic.gov.vn
|