CHI HỘI VNISA PHÍA NAM THAM DỰ BUỔI HỌP BAN CHỈ ĐẠO CHUYỂN ĐỔI SỐ TP.HCM 30.01.2024

01/02/2024

Chiều ngày 30/01/2024, tại Trụ sở UBND TPHCM, Chủ tịch Ngô Vi Đồng đã tham dự buổi họp của Ban chỉ đạo Chuyển đổi số TPHCM về việc thông qua Kế hoạch triển khai Chương trình Chuyển đổi số và đô thị thông minh Thành phố năm 2024. Chủ trì và điều hành cuộc họp có đồng chí Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TPHCM và đồng chí Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TPHCM phụ trách công nghệ thông tin.
Cùng tham dự có đại diện lãnh đạo các Sở, Ban, ngành, chuyên gia, đại diện các doanh nghiệp lĩnh vực công nghệ thông tin, các đơn vị Chi hội VNISA phía Nam, Hội Tin học TPHCM, Hiệp hội Doanh nghiệp Thành phố. Cuộc họp cũng được kết nối trực tuyến tới UBND các quận, huyện, TP Thủ Đức. 
6-(1).jpg
Kế hoạch Chuyển đổi số 2024, công bố bộ chỉ số chuyển đổi số
Báo cáo tại cuộc họp, ông Lâm Đình Thắng - Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TPHCM - cho biết, Chương trình Chuyển đổi số 2024 tập trung cho nhiều nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, thành phố sẽ tập trung hoàn thiện, thực hiện hiệu quả 4 chính sách: Chính sách cung cấp và sử dụng dịch vụ công trực tuyến toàn trình; Chính sách tỷ lệ chi tối thiểu và hướng dẫn định mức chi cho ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số; Chính sách chuyển đổi số doanh nghiệp nhỏ và vừa; Chính sách thuê chuyên gia chuyển đổi số. 
Lĩnh vực hạ tầng số tập trung hoàn thành 3 nhiệm vụ: Hạ tầng Công nghệ thông tin Chính quyền điện tử Thành phố được rà soát, nâng cấp đảm bảo vận hành, liên thông thông suốt từ Thành phố đến cấp phường xã; Mỗi hộ gia đình có một điện thoại thông minh và Internet; Hạ tầng giao thông, đô thị Thành phố tăng cường tích hợp ứng dụng công nghệ số IoT, camera, AI trong công tác quản lý, giám sát vận hành.  
Chính quyền số tập trung hoàn thành 4 nhiệm vụ trọng tâm là ra mắt Ứng dụng công dân Thành phố là kênh giao tiếp số hợp nhất giữa chính quyền với người dân, doanh nghiệp; Triển khai nền tảng trợ lý ảo: Hỗ trợ công chức, viên chức giải quyết công việc trong xử lý văn bản; rà soát văn bản quy phạm pháp luật; đôn đốc nhắc việc; Giúp người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến. Khai thác hiệu quả hệ thống quản trị thực thi thành phố trên các nền tảng số; Vận hành chính thức hệ thống thông tin Quản lý đất đai và hệ thống thông tin Cấp phép xây dựng TPHCM… 
An toàn thông tin là kim chỉ nam quan trọng trong chuyển đổi số
Về tổng thể, Chuyển đổi số TPHCM đang đứng thứ 2 cả nước. Năm 2024 của TPHCM với các chỉ tiêu Chuyển đổi số trọng tâm được xác định trong chương trình công tác năm của UBND TPHCM cho thấy tầm quan trọng của Chuyển đổi số và quyết tâm thực hiện Chuyển đổi số trong chiến lược phát triển của thành phố.
Là cơ quan thường trực của TPHCM trong thực hiện CĐS, Sở Thông tin và Truyền thông đã đề ra 5 giải pháp trọng tâm để thực hiện hiệu quả chủ đề năm 2024. Trong đó, quan trọng và cấp thiết là đảm bảo hiệu quả an toàn thông tin. Ngăn chặn tấn công mạng, tội phạm mạng; đảm bảo an ninh và an toàn cho người dân.
Trong năm 2024, lần đầu tiên, TPHCM sẽ công bố bộ chỉ số chuyển đổi số, đánh giá các sở, ngành, địa phương; đồng thời công bố bộ nhận diện chính quyền số thành phố. Cùng với đó, đảm bảo 15.000 hộ nghèo có điện thoại thông minh, tiếp cận internet. Tận dụng thông tin của người dân trên các cổng thông tin của Thành phố gắn với Đề án 06 để người dân chỉ cần khai báo một lần khi làm thủ tục hành chính. 
Ra mắt Trung tâm Chuyển đổi số TPHCM
Tại buổi này, UBND TPHCM chính thức giới thiệu Trung tâm Chuyển đổi số TP.HCM dựa trên cơ sở tổ chức lại Trung tâm Công nghệ thông tin và truyền thông trực thuộc Sở TT-TT TP.HCM, bà Võ Thị Trung Trinh được bổ nhiệm làm giám đốc.
2.jpg
Hiện, Trung tâm Chuyển đổi số TP.HCM có tên giao dịch quốc tế là Ho Chi Minh City Digital Transformation Center (HCMC-DXCENTER) và có trụ sở tại lầu 4, số 26 Lý Tự Trọng, phường Bến Nghé, Quận 1, TP.HCM.
Trung tâm là đơn vị sự nghiệp công lập thuộc lĩnh vực thông tin và truyền thông trực thuộc UBND TP.HCM; chịu sự chỉ đạo, quản lý trực tiếp về tổ chức bộ máy, biên chế, ngân sách và hoạt động từ UBND thành phố; chịu sự hướng dẫn chuyên môn về quản lý nhà nước của Sở Thông tin và Truyền thông.
Trung tâm chuyển đổi số TP.HCM có chức năng thực hiện các nhiệm vụ về triển khai, thực thi các chương trình, đề án, kế hoạch chuyển đổi số, đô thị thông minh; cung cấp dịch vụ hỗ trợ chuyển đổi số cho các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, chính trị xã hội, chính trị xã hội nghề nghiệp, doanh nghiệp thành phố; thực hiện các chức năng khác về chuyển đổi số phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. Đồng thời trung tâm cũng khai thác tối đa các công nghệ số và dữ liệu, mở rộng hợp tác, thúc đẩy và huy động các nguồn lực để cung cấp các dịch vụ số phục vụ người dân và doanh nghiệp.
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi đánh giá trung tâm này là “công cụ rất quan trọng” trong việc thúc đẩy thành phố hướng đến mục tiêu vận hành trên nền hành chính số. Mục tiêu cao nhất mà lãnh đạo TPHCM nhấn mạnh là “chuyển đổi số phải làm cho nền hành chính thông suốt, hiệu quả, dễ dàng, tiện lợi hơn với chi phí thấp hơn”.
1.jpg
Mặc dù thành phố có nhiều bước tiến trong chuyển đổi số, nhưng vẫn còn một số hạn chế được nhắc đến như hạ tầng công nghệ, phần cứng chưa đồng bộ ở cấp độ phường, xã. Hiện nay, các hệ thống thông tin chưa được rà soát 100% để đánh giá mức độ an toàn thông tin, xây dựng mạng lưới ứng cứu an toàn thông tin.
Các hạn chế khác bao gồm thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, đảm bảo kiến thức của người dân khi tham gia dịch vụ trực tuyến. Ngoài ra, còn nhiều cá nhân, người neo đơn, hộ gia đình khó khăn chưa theo kịp chuyển đổi số.
An toàn thông tin là kim chỉ nam quan trọng cho chuyển đổi số
Về tổng thể, Chuyển đổi số TPHCM đang đứng thứ 2 cả nước. Năm 2024 của TPHCM với các chỉ tiêu Chuyển đổi số trọng tâm được xác định trong chương trình công tác năm của UBND TPHCM cho thấy tầm quan trọng của Chuyển đổi số và quyết tâm thực hiện Chuyển đổi số trong chiến lược phát triển của thành phố.
Là cơ quan thường trực của TPHCM trong thực hiện CĐS, Sở Thông tin và Truyền thông đã đề ra 5 giải pháp trọng tâm để thực hiện hiệu quả chủ đề năm 2024. Trong đó, quan trọng và cấp thiết là đảm bảo hiệu quả an toàn thông tin. Ngăn chặn tấn công mạng, tội phạm mạng; đảm bảo an ninh và an toàn cho người dân.
 
Chia sẻ tại buổi họp về các vấn đề đảm bảo an toàn an ninh thông tin, Ông Ngô Vi Đồng – Chủ tịch Chi hội VNISA phía Nam cũng cho biết thêm: “Những biện pháp cụ thể và quan trọng mà chúng ta cần phải làm ngay là tập trung đầu tư nguồn nhân lực chất lượng cao thường xuyên được cập nhật và nâng cao kiến thức chuyên môn, kỹ năng, ý thức trách nhiệm. Liên tục phối hợp với các đơn vị trung tâm đào tạo, nghiên cứu, các doanh nghiệp để triển khai các chương trình đào tạo nghề nghiệp chuyên sâu về ATTT, các hoạt động diễn tập thực chiến ATTT thường niên, tăng cường tính sẵn sàng đối phó và ứng cứu sự cố của TPHCM. Các hoạt động nâng cao nhận thức về ATTT trong cộng đồng cần được đẩy mạnh hơn qua các kênh truyền thông báo đài, các chương trình Hội nghị, Hội thảo về ATTT; phổ biến và khuyến khích người dân hiểu biết và sử dụng các dịch vụ số trực tuyến (y tế số, giáo dục số, thanh toán điện tử…) để đẩy mạnh xây dựng xã hội số và phát triển công dân số nhưng vẫn luôn đảm bảo an toàn an ninh thông tin toàn diện”.
5.jpg