Sự kiện Ngày An Toàn Thông Tin Việt Nam 2013 tại TP.HCM
17/11/2013
Năm nay, “Ngày ATTT Việt Nam 2013” với chủ đề “Thể chế hoá ATTT – con đường tất yếu của sự phát triển xã hội thông tin hiện đại”; tiếp tục đề cập đến sự phát triển hạ tầng công nghệ an ninh, bảo mật, các giải pháp và ứng dụng mới nhất, các vấn đề thời sự cấp bách nhằm nâng cao nhận thức, cảnh báo và khắc phục các vấn đề ATTT.
Hội thảo chính “Ngày An Toàn Thông Tin 2013” khu vực phía Nam nhận được sự quan tâm và tham gia của gần 500 khách. Tại Hội thảo, rất nhiều tham luận đến từ các hãng công nghệ lớn trên thế giới như: IBM, Google, Intel, McAfee, Oracle, Microsoft, Fortinet, Net App... và các công ty Công nghệ thông tin lớn trong nước như HPT, Sao Bắc Đẩu, FPT, …nhiều nội dung tham luận quan trọng về vấn đề ATTT của các bộ, ngành đề cập đến sự phát triển hạ tầng công nghệ an ninh, bảo mật, các giải pháp và ứng dụng mới nhất, các vấn đề thời sự cấp bách nhằm nâng cao nhận thức, cảnh báo và khắc phục các vấn đề an toàn thông tin đã được trình bày và mổ xẻ trong hội thảo diễn ra trong khuôn khổ Ngày an toàn thông tin Việt Nam năm nay….
Bên lề hội thảo, các tổ chức, doanh nghiệp giới thiệu và trình bày các công nghệ, sản phẩm ATTT tiên tiến nhất trong nước và thế giới.
Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Ngô Vi Đồng, Phó chủ tịch Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam cho biết, tình hình an toàn an ninh trong thời gian qua rất phức tạp, khó khăn và tinh vi hơn, tuy nhiên ngân sách chi cho an toàn thông tin lại đang giảm sút do khó khăn về tình hình kinh tế. Chính vì thế, theo ông hội thảo lần này với chủ đề: Thể chế hóa An toàn thông tin – con đường tất yếu của sự phát triển xã hội thông tin hiện đại, gắn liền với tình hình thực tế cũng như yêu cầu cấp bách hiện nay.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Minh Hồng, Thứ trưởng Bộ TT&TT, cũng cho rằng tình hình an toàn, an ninh thông tin hiện nay rất phức tạp, trong đó có cả vấn đề về chủ quyền số được các phương tiện truyền thông nêu lên trong thời gian qua, đây là vấn đề cần được quan tâm. Việc hoàn thiện môi trường pháp lý về an toàn, an ninh thông tin cũng hết sức quan trọng và cấp thiết. Bên cạnh đó, vấn đề an toàn, an ninh thông tin hiện nay không chỉ gói gọn ở phạm vi ở mỗi quốc gia, mà mở rộng ra trên toàn thế giới với nhiều Diễn đàn, Hội thảo…được tổ chức để bàn luận về vấn đề này.
Ngay sau các phát biểu, hội thảo đã đi vào các phiên báo cáo chính, mở đầu là bài báo cáo Hiện trạng An toàn thông tin khu vực phía Nam năm 2013, của chi hội An toàn thông tin phía Nam.
Theo báo cáo của VNISA, tình hình ATTT trên thế giới cũng như tại VN năm 2012 – 2013 vẫn có bức tranh chung màu “xám” về gia tăng số lượng mã độc, các vụ làm lợi bất chính thông qua việc tấn công mạng. Hiện nay tỷ lệ đầu tư cho ATTT chỉ chiếm đến 5% trong tổng đầu tư cho công nghệ thông tin của doanh nghiệp. Khó khăn về kinh tế đã ảnh hưởng đáng kể tới đầu tư của doanh nghiệp cho ATTT nói chung và đào tạo nguồn nhân lực ATTT nói riêng. Khảo sát của VNISA cho thấy, hiện có tới 38% doanh nghiệp không có cán bộ chuyên trách hoặc bán chuyên trách về ATTT, 56% doanh nghiệp không có phòng ban về ATTT, 53% doanh nghiệp chưa có kế hoạch xây dựng hệ thống bảo vệ ATTT theo chuẩn ISO 27001. Mặt khác, các biện pháp kỹ thuật bảo vệ tấn công mạng như phần mềm chống virus, tường lửa và bảo mật mạng không dây cũng không được các doanh nghiệp quan tâm. Thiết bị di động thông tin trở thành đích tấn công quan trọng và là điểm yếu lớn của hệ thống quản lý, lưu trữ và xử lý thông tin trong tương lai… Các đại biểu cho rằng việc thu thập thông tin như thế nào, đến giới hạn nào, cài đặt trong thiết bị nào, phần cứng hay phần mềm… là phù hợp để vừa ngăn chặn được các âm mưu khủng bố, nguy cơ xung đột, chiến tranh, vừa đảm bảo sự riêng tư, toàn vẹn, tính sẵn sàng trong môi trường sống và làm việc bình yên của mọi người, mọi tổ chức cơ quan hay doanh nghiệp là một vấn đề ngày càng trở nên quan trọng phải được thực thi trong một môi trường pháp luật, được thể chế hoá và phải là mối quan tâm của từng người dân, doanh nghiệp, nhà nước và cộng đồng quốc tế.
|
|
(Vui lòng download tài liệu tham khảo theo link sau:
http://vnisahcm.org.vn/Hoat-dong/Agenda-Ngay-ATTT-Viet-Nam-2013.aspx )
Rõ ràng bài toán ATTT đã và vẫn là bài toán mà nhà nước, doanh nghiệp và công dân cần chung tay giải quyết tích cực trên nền tảng một hệ thống pháp lý ngày một hoàn thiện. Vì vậy, VNISA đã kiến nghị Cơ quan quản lý nhà nước cần hoàn thiện các chính sách ATTT, Luật ATTT và các quy định hướng dẫn cụ thể triển khai công tác ATTT trong các cơ quan, doanh nghiệp.. Ngoài ra cần phải triển khai một trung tâm điều hành thống nhất, một lực lượng kỹ thuật tinh nhuệ, có khả năng ứng cứu các sự cố máy tính để trợ giúp các cơ quan, doanh nghiệp, công dân trên địa bàn TP và khu vực lân cận ở mọi quy mô…
Riêng đối với các doanh nghiệp, cần nhận thức rõ tầm quan trọng của ATTT và có kế hoạch tổng thể về ATTT, xây dựng bộ máy quản lý và gắn trách nhiệm rõ ràng cho các cán bộ chuyên trách; đồng thời, cần thường xuyên cập nhật, nâng cấp hệ thống nhằm ứng phó kịp thời với sự thay đổi và tiến bộ công nghệ.