Diễn đàn cấp cao công nghệ thông tin truyền thông

26/06/2015

Dịch vụ nào cấp thiết cho người dân thì làm trước
 
Tại Diễn đàn, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã đưa ra những khuyến nghị của Chính phủ khuyến khích cộng đồng doanh nghiệp ICT đầu tư, cung cấp các dịch vụ công có thu phí cho người dân, chủ động sáng tạo tiếp cận, giwois thiệu sản phẩm của mình với thế giới.
 
Đồng thời, Phó thủ tướng cũng cho biết Ủy ban Quốc gia về ứng dụng công nghệ thông tin đang quyết liệt thúc đẩy các Bộ, ban, ngành xây dựng các cơ chế chính sách nhằm tạo điều kiện cho ICT ứng dụng sâu rộng, thuận tiện, hiệu quả vào các cơ quan của Chính phủ, cải cách thủ tục hành chính bằng công nghệ và khuyến khích doanh nghiệp đầu tư cung cấp các dịch vụ công, các lĩnh vực cấp thiết cho người dân, tạo điều kiện cho doanh nghiệp xuất khẩu phần mềm, sản phẩm, dịch vụ công nghệ.
 
"Tinh thần của Chính phủ là minh bạch, chính xác, cụ thể, có lộ trình rõ ràng và cái gì liên quan trực tiếp, cấp thiết đến người dân thì đầu tư, tạo cơ chế, chính sách ưu tiên làm trước ", Phó Thủ tướng khẳng định.
 
Tính đến cuối 2013, Việt Nam có hơn 104.000 dịch vụ công nhưng chỉ có 104 dịch vụ cấp 1, 101 dịch vụ công cấp 2, 2.366 dịch vụ cấp 3 và 111 dịch vụ công cấp 4. Rõ ràng, các dịch vụ công cấp độ cao mới chỉ chiếm một tỷ lệ rất nhỏ. Như vậy, còn thị trường rất lớn cho doanh nghiệp cung cấp cho Chính phủ.
 
Bên cạnh đó, Phó thủ tướng cũng lưu ý ngành CNTT cần phải thay đổi tư duy, không chỉ cơ quan Nhà nước mà cả doanh nghiệp. Nếu như trước đây cơ quan Nhà nước phải lập dự án thì nay họ chỉ cần nêu đề bài để doanh nghiệp tự xây dựng, tính toán.
 
Các doanh nghiệp cần tránh tư tưởng chỉ cung cấp dịch vụ một lần là xong, mà cần chủ động hơn, căn cứ nhu cầu của xã hội và cơ quan quản lý nhà nước để giới thiệu dịch vụ, sản phẩm của mình, đặc biệt là các lĩnh vực dịch vụ được Nhà nước khuyến khích phát triển. Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng cũng lưu ý cần có những chính sách thuế, ưu đãi cho CNTT. 
 
Cần xây một số doanh nghiệp CNTT tầm quốc tế
 
Phát biểu tại Diễn đàn, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son dẫn nhiều số liệu cho thấy sự phát triển mạnh mẽ của ngành CNTT, như doanh thu ngành CNTT viễn thông năm 2014 đạt 27 tỷ USD, nhân lực ngành CNTT đang làm việc đạt 350.000 người, hiện có 290 cơ sở giáo dục Đại học, Cao đẳng...
 
Tuy vậy, vẫn còn nhiều bất cập trong việc ứng dụng, phát triển CNTT tại Việt Nam, như hệ thống thông tin các ngành chưa đồng bộ, liên thông với nhau, khiến cho đầu tư còn chồng chéo, thiếu hiệu quả; ngân sách đầu tư cho CNTT còn khiêm tốn; chất lượng, số lượng nhân lực CNTT chưa đáp ứng được yêu cầu ngày càng tăng của xã hội; ứng dụng CNTT vào quản trị của các cơ quan, tổ chức còn yếu so với các nước trong khu vực. Bên cạnh đó, hệ thống cơ chế ưu đãi cho doanh nghiệp CNTT chưa có đột phá, chưa khuyến khích được ngành phát triển....
 
Để khắc phục những bất cập này, Bộ trưởng Bộ TT&TT cho biết sẽ cùng với các cơ quan, đơn vị liên quan tiếp tục tham mưu cho Chính phủ, triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó chú trọng kiện toàn, đổi mới phương thức chỉ đạo của UBQG về ứng dụng CNTT, nêu bật vai trò trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức đối với sự ứng dụng CNTT.
 
Như vậy, ứng dụng CNTT là nội dung bắt buộc phải có trong các Đề án, chương trình hành động, dự án đầu tư trong thời gian tới. Cần tiếp tục bổ sung hoàn thiện cơ chế chính sách, ban hành hành lang pháp lý đầy đủ cho ứng dụng CNTT; xây dựng, ban hành các cơ chế hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp CNTT, nghiên cứu phát triển, hình thành nên một số doanh nghiệp CNTT tầm cỡ khu vực và quốc tế; thúc đẩy triển khai phương thức thuê dịch vụ, đầu tư công tư (PPP), huy động nguồn lực xã hội....
 
Với 4 phiên Tọa đàm chuyên để, Vietnam ICT Summit 2015 tập trung trao đổi, thảo luận về các vấn đề: Nâng cao năng lực ngành y tế; Nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý nhà nước và chất lượng dịch vụ công; Phát triển giao thông thông minh, xây dựng đô thị đáng sống; Phát triển nguồn nhân lực CNTT tại Việt Nam.
 
Từ những nội dung chỉ đạo quan trọng, có tầm chiến lược của Phó Thủ tướng Chính phủ Việt Nam, những chia sẻ kinh nghiệm của Cựu Thủ tướng Nhật Bản cùng rất nhiều ý kiến đóng góp của các đại biểu, Ban tổ chức Diễn đàn lần thứ 5 thống nhất đưa ra thông điệp như sau:
 
1. CNTT là một thành tựu KHCN kỳ diệu của nhân loại, đem lại cơ hội tuyệt vời cho tất cả mọi quốc gia, mọi người dân, kể cả những người không may mắn, yếu thế như những người khuyết tật, nông dân, bà con dân tộc và vùng sâu vùng xa. Để thực hiện mục tiêu Việt Nam trở thành nước mạnh về công nghệ thông tin và bằng công nghệ thông tin; tất cả phải cùng hành động và phải hành động nhanh hơn, quyết liệt hơn, sáng tạo hơn, đột phá hơn và sâu rộng hơn trong phát triển, ứng dụng công nghệ thông tin tạo phương thức phát triển mới.
 
2. Nhanh chóng nâng cấp độ ứng dụng công nghệ thông tin xây dựng chính phủ điện tử, thúc đẩy cải cách hành chính, tăng cường tính minh bạch, trách nhiệm giải trình, tạo dựng môi trường kinh doanh thuận lợi, giảm chi phí, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và quốc gia; tạo tiện lợi, văn minh cho người dân trong giao dịch với cơ quan Nhà nước và tiếp cận dịch vụ công.
 
3. Đẩy nhanh hơn nữa ứng dụng công nghệ thông tin phát triển giao thông thông minh, giảm thiểu ùn tắc, tai nạn và xây dựng đô thị xanh, tiện ích, an toàn, tiết kiệm các nguồn lực, đem lại môi trường sống văn minh, hiện đại cho người dân.
 
4. Nhanh chóng ứng dụng công nghệ thông tin kết nối liên thông ngành y tế, bảo hiểm, bệnh viện, bác sĩ với người dân mọi vùng miền, trên cơ sở chuẩn hóa qui trình quản lý y tế, hồ sơ bệnh án điện tử, khám chữa bệnh từ xa, quản lý thuốc, nhằm nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cho người dân, đồng thời đưa y tế trở thành ngành kinh tế dịch vụ giá trị cao gắn với du lịch.
 
5. Cần có ngay giải pháp đột phá để tăng nhanh nguồn nhân lực công nghệ thông tin đạt chuẩn quốc tế, bắt kịp cuộc cách mạng công nghệ thông tin mới là SMAC và IoT. Phấn đấu mức tăng trưởng về số lượng mỗi năm đạt 30%.
 
6. Quyết liệt triển khai chủ trương thuê dịch vụ công nghệ thông tin trong các cơ quan nhà nước để đẩy nhanh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản trị và cung cấp dịch vụ công; đồng thời tạo thị trường cho ngành CNTT. Nhanh chóng có cơ chế, chính sách ưu đãi đặc biệt về thuế đối với lĩnh vực CNTT để khuyến khích, thu hút đầu tư và nhân tài phát triển CNTT.
 
7. Đẩy nhanh ứng dụng công nghệ thông tin trong những lĩnh vực mà Việt Nam có lợi thế cạnh tranh, đặc biệt là trong tái cấu trúc và phát triển nông nghiệp và du lịch.
 
8. Việc đẩy nhanh tốc độ phát triển và ứng dụng CNTT là trách nhiệm cao nhất của người đứng đầu và là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu của tất cả các bộ ngành, địa phương, tổ chức, doanh nghiệp và toàn xã hội.
 
Theo Tạp chí An toàn Thông tin.