Microsoft khởi kiện một công ty tại Việt Nam vi phạm bản quyền

25/06/2015

Ông Tarun Sawney (BSA) cho hay trong bất kỳ vụ việc nào, BSA muốn các doanh nghiệp tự giải quyết ổn thỏa hài hòa lợi ích các bên. 

Thông tin trên được Liên minh phần mềm BSA công bố tại buổi họp báo diễn ra chiều 24/6, tại Hà Nội.
 
Theo đó, Công ty Trimmers là một doanh nghiệp 100% vốn của Hàn Quốc, chuyên sản xuất phụ kiện ngành may mặc và túi xách, có trụ sở tại thị xã Thuận An (Bình Dương).
 
Ngày 26/9/2013, cơ quan chức năng gồm Thanh tra Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Phòng 4/C50 (Tổng Cục cảnh sát phòng chống tội phạm, Bộ Công an) tiến hành thanh tra đột xuất Công ty Trimmers về việc chấp hành các quy định của pháp luật về quyền tác giả đối với phần mềm máy tính.
 
Sau khi kiểm tra 41 máy tính đang hoạt động, Công ty Trimmers chỉ cung cấp được một số ít các phần mềm có bản quyền. Trong số các phần mềm bị cài đặt sử dụng trái phép gồm các phần mềm của Microsoft, Adobe, Autodesk và Lạc Việt.
 
Đại diện BSA cho hay, dù đại diện Công ty Trimmers đã ký vào Biên bản thanh tra thừa nhận hành vi sao chép, sử dụng phần mềm máy tính mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả là vi phạm Luật Sở hữu trí tuệ; cam kết chấm dứt hành vi vi phạm và có biện pháp khắc phục hậu quả, bồi thường thiệt hại… Nhưng sau đó, doanh nghiệp này không hợp tác. 
 
Bà Rebecca Ho, Luật sư cao cấp của Microsoft cũng cho biết trong gần 2 năm qua đã rất nhiều lần tìm cách đàm phán với Công ty Trimmer để dàn xếp vụ việc nhưng đều không nhận được sự hợp tác của doanh nghiệp này. Đây cũng chính là lý do Microsoft chính thức đệ đơn lên Tòa án nhằm giải quyết vụ việc.
 
Ngày 29/5, Tòa án Nhân dân tỉnh Bình Dương đã thụ lý vụ án kinh doanh thương mại theo số 08/2015/TLST-KDTM về việc “tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ.” Ngày 2/7 tới, phiên hòa giải đầu tiên giữa hai bên sẽ được tiến hành.
 
Được biết, khoản tiền mà Microsoft yêu cầu Trimmers bồi thường thiệt hại 748 triệu đồng và án phí.
 
Trước đó, vào cuối năm 2013, một thành viên của BSA cũng đã khởi kiện một doanh nghiệp ra tòa án dân sự do xâm phạm bản quyền phần mềm. Sau đó, hai doanh nghiệp đã ngồi lại đối thoại và đưa ra được biện pháp hài hòa lợi ích giữa hai bên.

(Theo Vietnam+)