SOS: 'Tấn công mạng tàn khốc!'
07/12/2015
Phát biểu khai mạc Ngày ATTT Việt Nam 2015 với chủ đề: “Xu hướng phá hoại tàn khốc của tấn công mạng hiện đại” diễn ra hôm 19/11 tại TP.HCM, ông Ngô Vi Đồng – Chủ tịch Chi hội An toàn thông tin Phía Nam (VNISA phía Nam) cho biết tình hình an toàn, an ninh thông tin trên toàn thế giới đang có những diễn biến ngày càng phức tạp, bất kỳ tổ chức, doanh nghiệp nào cũng có thể bị hacker tấn công, và chịu thiệt hại lớn về tiền tài, vật chất.
Thực tế, thời gian qua, an ninh mạng đã trở thành đề tài nóng trên bàn nghị sự trong các cuộc hội đàm giữa các nguyên thủ quốc gia. Cả thế giới đã nhận thức được rằng trong kỷ nguyên số ngày nay, các cuộc tấn công mạng không chừa bất cứ ai, tổ chức nào, cho dù ở đâu với những hậu quả tàn khốc khó lường.
Một mối quan ngại đang nổi lên gần đây là xu hướng các cơ sở hạ tầng trọng yếu của nền kinh tế xã hội như các hệ thống điện, nước, giao thông ngày càng phát triển, kết nối sâu rộng với Internet đang là những điểm yếu, trở thành đích nhắm của các cuộc tấn công chủ đích từ bên ngoài nhằm gây xáo trộn toàn xã hội.
|
Hiểm họa tấn công mạng tinh vi với qui mô rộng lớn
Trong 9 tháng đầu năm 2015, theo thống kê của
VNCERT đã phát hiện hơn 3 triệu địa chỉ IP trong nước bị nhiễm mã độc và bị điều khiển bởi các máy chủ bên ngoài lãnh thổ Việt Nam, hơn 18 nghìn website bị
nhiễm mã độc và lây lan mã độc đến các máy tính trong mạng. Qui mô tấn công mạng đã ở mức rộng lớn mà vài năm trước khó ai có thể hình dung.
Điều đáng sợ là “hàng triệu máy tính tại Việt Nam đang bị nhiễm mã độc và tham gia vào các mạng Botnet toàn cầu”, theo báo cáo của VNISA phía Nam.
Các chuyên gia đến dự Ngày ATTT Việt Nam năm nay từ các công ty bảo mật nổi tiếng trên thế giới như FireEye, Trend Micro, NPCORE đặc biệt bày tỏ lo ngại về tình hình gia tăng
tấn công có chủ đích (APT) với mức độ ngày càng tinh vi. Trong khi đó báo cáo “Hiện trạng về ATTT khu vực phía Nam năm 2015” của VNISA phía Nam cho biết Việt Nam cũng đã hứng chịu các cuộc tấn công APT đến từ bên ngoài.
Thông tin về các cuộc tấn công APT tại Việt Nam thời gian qua rất hạn chế, nhưng báo cáo của
VNISA phía Nam dẫn nguồn từ một hội thảo trong nước hồi tháng 5, tại đó
hãng bảo mật FireEye của Mỹ chỉ đích danh nhóm tấn công mang tên APT30 đã nhiều năm thâm nhập trái phép vào các hệ thống máy tính tại Việt Nam, uy hiếp an ninh thông tin trong nước.
Nhiều chuyên gia bảo mật cũng lên tiếng cảnh báo một xu hướng mới nổi khác là
kết nối vạn vật – Internet of Things (IoT) khiến diện tấn công ngày càng mở rộng, công tác bảo vệ an ninh, ATTT trở nên vô cùng khó khăn. Theo Cisco thì trên thế giới hiện có 13 tỷ thiết bị điện tử được kết nối và con số này sẽ lên tới 56 tỷ vào năm 2020. Bảo vệ ATTT trên một môi trường quá rộng lớn như vậy thực sự là một thách thức quá lớn.
Sự đa dạng trong các hoạt động thông minh từ sự kết nối linh hoạt của mọi vật trong cuộc sống bên cạnh mặt tích cực là đem lại vô vàn tiện ích cũng kèm theo nguy cơ mất ATTT rộng khắp. Chẳng hạn, hạ tầng trọng yếu quốc gia được trang bị hàng loạt thiết bị điện tử thông minh liên kết với nhau sẽ gia tăng nguy cơ bị tấn công thông qua bất kỳ đầu mối kết nối nào. Mỗi một thiết bị thông minh có địa chỉ IP riêng, có thể vừa là đối tượng bị tấn công vừa có thể bị hacker lợi dụng làm bàn đạp để tấn công sâu hơn.
Báo cáo của các chuyên gia đến từ Cisco, Innodep, Microsoft, Logrhythm, Trend Micro, Symantec, Oracle liên tục cảnh báo về gia tăng thách thức trước diễn biến an ninh mạng ngày càng phức tạp.
Môi trường mạng phát triển nhanh chóng, rộng khắp đang là cơ hội lớn cho hacker tấn công trục lợi. Ngay như hiện tại, smartphone bùng nổ tạo ra
xu hướng BYOD (dùng thiết bị cá nhân trong công việc) cũng đồng thời đem lại nguy cơ bị tấn công, gây tổn thất không chỉ tài sản số cá nhân mà còn có thể thiệt hại lớn cho tổ chức, doanh nghiệp. Mỗi một smartphone của nhân viên đều có thể là cửa ngõ dẫn hacker xâm nhập mạng doanh nghiệp.
|
Rất đông các chuyên gia an ninh mạng theo dõi trực tiếp buổi Diễn tập ATTT lần thứ 2 tại TP.HCM hôm 18/11 – một sự kiện nằm trong chuỗi hoạt động Ngày ATTT năm nay. |
Màu xám bức tranh hiện trạng ATTT tại Việt Nam
Không có những con số thiệt hại cụ thể mà các tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam phải gánh chịu trước các cuộc tấn công mạng. Tuy nhiên, trong bối cảnh chung về tình hình an ninh thông tin có thể nói đã ở mức báo động đỏ, nhiều chuyên gia còn tỏ ra lo ngại hơn nữa trước hiện trạng ATTT trong nước.
Năm ngoái, ngày ATTT 2014 với chủ đề “An toàn, an ninh thông tin và chủ quyền quốc gia”, cho thấy ATTT gắn liền với chủ quyền quốc gia, nhưng thực tế một năm qua vấn đề vẫn đang bị xem nhẹ. Việt Nam được xem là nước bị tấn công nhiều nhưng theo Tiến sĩ Trịnh Ngọc Minh – Phó chủ tịch VNISA phía Nam thay mặt Chi hội báo cáo tình hình khảo sát ATTT tại các đơn vị khu vực phía Nam 2015 cho biết, từ nhận thức đến đầu tư cho an ninh, an toàn thông tin đều giảm sút.
Theo báo cáo của VNISA phía Nam, vào thời điểm Trung Quốc tăng cường xây dựng trái phép cơ sở hạ tầng nhân tạo trên quần đảo Trường Sa của Việt Nam đã có 1.597 trường hợp hacker Trung Quốc tấn công thay đổi giao diện các trang web đặt tại Việt Nam, trong đó có nhiều trang thuộc các cơ quan quản lý Nhà nước. Còn theo thống kê của VNCERT chỉ trong 9 tháng đầu năm 2015 đã ghi nhận được 7.421 cuộc tấn công thay đổi giao diện các website tại Việt Nam trong đó có 164 website, cổng thông tin thuộc khối cơ quan Nhà nước.
Ông Ngô Vi Đồng nhận định các cuộc tấn công APT nhắm vào cơ quan chính phủ, các doanh nghiệp Việt Nam đang trở nên nguy hiểm hơn với cường độ mạnh hơn.
Trong khi đó, theo nhận định của Tiến sĩ Trịnh Ngọc Minh, “con người – qui trình – công nghệ” là ba thành tố quan trọng trong hệ thống an ninh, an toàn thông tin, nhưng đều có xu hướng giảm sút tại Việt Nam.
Con người vẫn thường được xem là mắt xích yếu nhất trong toàn bộ hệ thống ATTT. Nhưng theo ông Minh có dấu hiệu không tốt là sự sụt giảm số lượng người phụ trách về ATTT, nhận thức về ATTT cũng giảm so với các năm trước. Qui trình xử lý sự cố về ATTT trong các doanh nghiệp nhìn chung cũng bị giảm nhiều. Đầu tư về công nghệ cũng giảm sút. Kết quả khảo sát của VNISA phía Nam cho thấy đầu tư ngân sách cho ATTT giảm sút rất nhiều, phần lớn đơn vị đầu tư dưới 5% kinh phí CNTT cho ATTT.
Theo nhận định của ông Minh, hiện trạng về ATTT có chiều hướng xấu đi so với 2014 có thể là do đối tượng tham gia khảo sát năm nay chủ yếu tập trung vào các doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN). Nhưng điều đó thêm một lần nữa khẳng định các DNVVN chưa thực sự quan tâm đến ATTT. Trong khi đó số DNVVN hiện chiếm phần lớn (hơn 95%) tổng số doanh nghiệp trên cả nước.
|
Các đội sinh viên đang làm bài thi tại vòng chung kết cuộc thi “Sinh viên với ATTT 2015” hôm 14/11. Cuộc thi là một phần quan trọng của Ngày ATTT nhằm phát hiện, bồi dưỡng nguồn nhân lực trẻ có chuyên môn giỏi trong lĩnh vực ATTT. |
Khoảng trống lớn tại các DNVVN
Qua đợt khảo sát về ATTT năm nay, VNISA phía Nam ghi nhận nhân sự chuyên trách, quy trình và xử lý sự cố ATTT còn bỏ ngỏ rất nhiều trong các DNVVN. Ngoài vấn đề chung về nhận thức thì có một thực tế là các DNVVN lo tập trung cho kinh doanh, sản xuất, điều kiện về đầu tư cho ATTT còn có giới hạn.
Thế nhưng theo ông Võ Đỗ Thắng – Ủy viên BCH VNISA phía Nam, cho biết hacker đang có xu hướng tấn công có chủ đích, xâm nhập nhiều năm trời, nhắm vào các hoạt động kinh doanh của DN để trục lợi. Rất nhiều trường hợp chỉ đến khi xảy ra thiệt hại lớn DN mới biết.
Ông Thắng nêu dẫn chứng qua trường hợp một doanh nghiệp FDI bị tổn thất tới hơn 2 triệu USD (trên 40 tỷ đồng) trong một thương vụ xuất hàng qua Pháp. Hacker, xâm nhập được vào hệ thống máy tính của DN từ trước, đã mạo danh DN gửi email cho đối tác đề nghị chuyển tiền sang một tài khoản khác ngay sau khi DN xuất hàng đi. Trường hợp thứ hai xảy ra với một DN ở Bình Dương. DN này đang đối mặt với phá sản do mất hợp đồng nhiều năm trời mà không hề biết rằng những bản vẽ hàng ngày, thông tin chi tiết chào hàng bị malware liên tục sao chép gửi ra ngoài.
Tuy nhiên, có một vấn đề nổi lên là DN không biết trông cậy vào đâu khi bị hacker tấn công, xảy ra sự cố ATTT đe dọa phải gánh những thiệt hại khó lường.
Trong buổi tọa đàm tại ngày ATTT 2015, giải đáp mối quan tâm của DN về việc ai sẽ hỗ trợ DN khi bị tấn công gây sự cố về ATTT, ông Nguyễn Quang Huy – Phó Giám đốc Trung tâm ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam (VNCERT) cho biết, VNCERT là trung tâm điều phối ứng cứu sự cố quốc gia, và chỉ vào cuộc nếu sự cố ảnh hưởng đến an toàn thông tin mạng quốc gia. Với những sự cố ATTT cho riêng từng DN, VNCERT sẽ hỗ trợ hướng dẫn để DN tự khắc phục. “Trách nhiệm của VNCERT là khuyến cáo, hướng dẫn và giới thiệu các đơn vị trong mạng lưới ứng cứu sự cố”, ông Huy nói.
Bà Võ Thị Trung Trinh, Phó giám đốc Sở TTTT TP.HCM thì cho biết, Sở TTTT có tổ chức một lực lượng bảo vệ cho ATTT Thành phố, đối tượng ứng cứu là các DN nhà nước, báo đài tại TP.HCM.
Vậy các DN tư nhân biết cầu cứu ai đây một khi xảy ra sự cố về ATTT?
Có một thực trạng là DNVVN phần lớn là doanh nghiệp tư nhân (DNTN), thuộc khối DN mà theo ông Võ Đỗ Thắng thì không hề có sự định hướng hay giúp đỡ nào cả. “DNTN mặc dù đóng góp rất lớn cho GDP Việt Nam, tạo ra rất nhiều công ăn việc làm nhưng đang bị xem như đứa con rơi”, ông Thắng nói.
Trong khi đó, khối cơ quan chính phủ thường nhận được những cảnh báo về ATTT từ các cơ quan chức năng, có nguồn kinh phí của nhà nước cho công tác đảm bảo an ninh, ATTT. Với khối doanh nghiệp nhà nước, theo ông Thắng, DN trung ương được sự quan tâm của VNCERT, các đơn vị bên an ninh, quốc phòng hỗ trợ; DN cấp tỉnh thì nhận được sự hỗ trợ thông tin cảnh báo, định hướng, chỉ đạo từ Sở TTTT.
Từ thực tế nhiều năm hoạt động trong lĩnh vực bảo mật, ông Thắng chia sẻ hầu như DNTN không nhận được sự giúp đỡ nào khi xảy ra sự cố về ATTT. Thậm chí có những trường hợp gọi điện thoại liên hệ nhiều nơi có khi còn được “chỉ về công an phường”. Chẳng hạn đợt căng thẳng Biển Đông, các cơ quan chính phủ đều được thông báo với những hướng dẫn đề phòng tấn công mạng, nhưng khối DNTN không hề được cảnh báo, đã bị tấn công nhiều, ông Thắng cho biết.
Ông Bùi Hoàng Phương – Phó cục trưởng Cục ATTT thuộc Bộ TTTT, với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước về ATTT, nói rõ ra là nhà nước không thể đủ sức để hỗ trợ mọi DN trên toàn quốc, chỉ hỗ trợ hướng dẫn, nâng cao nhận thức và cảnh báo về những nguy cơ về ATTT, xây dựng luật về ATTT mạng để thúc đẩy thị trường cho những công ty cung cấp dịch vụ, sản phẩm về ATTT.
“Sự liên kết giữa các DNVVN với các Cơ quan quản lý nhà nước và bảo vệ pháp luật còn chưa tốt. Đây chính là điểm yếu trong mắt xích xây dựng hệ thống phòng thủ và bảo vệ chủ quyền số quốc gia, khi các thông tin không được cập nhật và thông báo kịp thời, chậm trễ trong việc phản ứng”, báo cáo của VNISA phía Nam có đoạn viết.
Khảo sát của VNISA phía Nam cũng cho thấy, vai trò của các đơn vị tư vấn độc lập về ATTT chưa được thể hiện rõ đối với khối DNVVN. Rất ít các đơn vị có sử dụng tư vấn về ATTT hoặc thuê ngoài các dịch vụ này.
Sự gắn kết giữa Nhà nước – Xã hội – Doanh nghiệp trong việc tăng cường công tác ATTT vẫn đang còn ở mức độ thấp, chỉ mới chia sẻ những kiến thức, kinh nghiệm bảo mật tiên tiến nhất trong phạm vi hẹp như ở trong Hội thảo Ngày ATTT Việt Nam. Để toàn xã hội nhận thức như mong mỏi của các nhà quản lý và các chuyên gia bảo mật thực tế là vấn đề quá lớn.
|
Lực lượng ứng cứu sự cố ATTT TP.HCM đóng vai phòng thủ tại buổi diễn tập ATTT tại TP.HCM hôm 18/11. |
Đừng để "mất bò mới lo làm chuồng”
Trong bối cảnh tình hình ATTT diễn biến ngày càng xấu, ông Đồng kêu gọi các cơ quan, doanh nghiệp cũng như người tiêu dùng CNTT hãy nâng cao nhận thức về ATTT, đầu tư hơn nữa cho công tác đảm bảo ATTT nhằm bảo vệ tài sản, tài nguyên và chủ quyền quốc gia. Thứ trưởng Bộ TTTT Nguyễn Thành Hưng cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của khâu đào tạo nhân lực và nâng cao nhận thức về ATTT cho toàn xã hội.
Nói rồi, nói nữa, nói mãi không biết có thay đổi được gì không. Vấn đề là phải hành động, nếu không hồi chuông cảnh báo gióng lên rồi sẽ lại tắt ngúm trong tĩnh lặng. Đó là lý do mà ông Lê Thái Hỷ - Giám đốc Sở TTTT đã nhấn mạnh rằng
Luật ATTT mạng đã được Quốc hội thông qua (ngày 19/11, đúng vào ngày ATTT năm nay – PV), chúng ta hãy hành động ngay không chờ Nghị định, Thông tư.
“Ông Đồng đã nói tình hình năm nay hết sức phức tạp, và năm sau tôi nghĩ sẽ vẫn là câu nói đó. Nếu chúng ta không hành động thì sẽ bị tụt hậu trong lĩnh vực này”, ông Hỷ nói.
Theo PCWorld