Mỹ truy nã quân nhân Trung Quốc

06/06/2014

Lần đầu tiên Mỹ công khai cáo buộc các công chức nước ngoài tội danh gián điệp kinh tế qua mạng.

Cáo trạng chưa có tiền lệ
5 quân nhân Trung Quốc đã trở thành các công chức nước ngoài đầu tiên bị Bộ Tư pháp Mỹ truy tố với tội danh tấn công mạng nhằm đánh cắp bí mật thương mại của các công ty Mỹ. Biện pháp chưa từng thấy này của Washington đánh dấu một bước leo thang mới trong cuộc khẩu chiến về cáo buộc tấn công mạng giữa các quan chức của hai nước. 
Washington đã phát đi thông điệp rõ ràng, sẽ không còn mềm mỏng trong chính sách ngoại giao với Bắc Kinh và cần phải có biện pháp mạnh để ngăn cản tin tặc với sự hậu thuẫn của Bắc Kinh đang ngày càng gia tăng các cuộc tấn công mạng nhằm đánh cắp bí mật thương mại, gây thiệt hại cho các doanh nghiệp và nền kinh tế Mỹ. 
“Những bí mật thương mại và thông tin kinh doanh nhạy cảm khác bị đánh cắp trong trường hợp này là quan trọng và đòi hỏi phải có phản ứng quyết liệt”, Bộ tư pháp Mỹ cảnh báo. “Thành công trên thị trường toàn cầu phải dựa hoàn toàn vào năng lực đổi mới và sức mạnh cạnh tranh của công ty, chứ không phải nhờ vào khả năng do thám và đánh cắp bí mật kinh doanh với sự hậu thuẫn của chính phủ. Chính phủ Mỹ sẽ không tha thứ cho những hành động của bất cứ quốc gia nào nhằm tìm cách phá hoại các công ty Mỹ và làm suy yếu sự toàn vẹn cạnh tranh công bằng trong hoạt động của thị trường tự do”.  
Công khai danh tính và tội danh tin tặc quân đội Trung Quốc
Bản cáo trạng công bố ngày 19/5 của Bộ Tư pháp Mỹ chỉ đích danh 5 quân nhân thuộc Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA), gồm: Wang Dong, Sun Kailiang, Wen Xinyu, Huang Zhenyu và Gu Chunhui bị truy tố với các cáo buộc tấn công các hệ thống máy tính, gián điệp kinh tế và các tội danh khác. Cả 5 quân nhân bị truy nã đều là thành viên của Đơn vị bí mật 61398 thuộc Cục 3 của PLA, có trụ sở trong một tòa nhà thương mại 12 tầng ở Thượng Hải.
Bí ẩn của tin tặc quân đội Trung Quốc lần đầu tiên bị phát giác vào tháng 2 năm ngoái, khi công ty an ninh mạng Mandiant của Mỹ tung ra một bản báo cáo dài 60 trang, trong đó có những bằng chứng cho thấy một nhóm tin tặc mang biệt danh APT1 thuộc Đơn vị 61398  của PLA đã thực hiện nhiều vụ tấn công  nhắm vào hệ thống mạng của chính phủ và nhiều tập đoàn lớn của Mỹ. Mandiant gọi nhóm này là một trong những mối nguy hiểm cao thường trực đáng sợ nhất trên không gian mạng của Trung Quốc. Nhóm bị cáo buộc là đã lên một danh sách để thu thập thông tin và gây hại cho gần 150 công ty thuộc 20 ngành công nghiệp trọng yếu của Mỹ.
Bộ tư pháp Mỹ cho biết, trong khoảng thời gian từ năm 2006 đến 2014, nạn nhân của 5 quân nhân PLA mà Mỹ đang phát lệnh truy nã gồm 5 công ty và 1 nghiệp đoàn lớn tại Mỹ: Công ty điện hạt nhân Westinghouse Electric, tập đoàn nhôm lớn thứ ba thế giới Alcoa, công ty sản xuất kim loại đặc chủng Allegheny Technologies Incorporated, công ty thép U.S. Steel, nghiệp đoàn thép United Steelworkers Union và công ty năng lượng mặt trời SolarWorld.
Westinghouse Electric bị xâm nhập vào năm 2010, khi công ty đang xây dựng 4 nhà máy điện ở Trung Quốc, và vào khoảng thời gian đó đang thương lượng các điều khoản xây dựng với một đối tác thuộc sở hữu nhà nước Trung Quốc. Sun Kailiang bị cáo buộc đã thực hiện các hành động tin tặc, đánh cắp thông tin kỹ thuật độc quyền và các thiết kế chi tiết kỹ thuật tuyến đường ống, cùng nhiều thiết bị khác của công ty.  
Trộm cắp dữ liệu tại SolarWorld xảy ra vào năm 2012, khoảng thời gian này các nhà sản xuất sản phẩm năng lượng mặt trời Trung Quốc đã bán phá giá vào thị trường Mỹ các sản phẩm của họ, cáo trạng khẳng định. Một nhóm đứng đầu bởi Wen Xinyu và những người khác bị cáo buộc đã đột nhập vào các hệ thống máy tính tại SolarWorld và lấy cắp hàng ngàn tài liệu liên quan đến chi phí sản xuất, dây chuyền sản xuất, dòng tiền mặt và các thông tin độc quyền khác của công ty.
Bản cáo trạng của Bộ tư pháp Mỹ cũng đưa ra những cáo buộc tương tự các thành viên của nhóm ăn cắp thông tin đăng nhập mạng của hàng ngàn nhân viên tại U.S. Steel và Allegheny Technologies, và đánh cắp hàng ngàn email từ Alcoa.
Trung Quốc phản ứng gay gắt
Bộ Ngoại giao Trung Quốc, khác với thường lệ, lần này đã nhanh chóng lên tiếng phản đối bản cáo trạng buộc tội của Mỹ, khẳng định chính phủ và quân đội Trung Quốc không hề dính líu vào các hoạt động ăn cắp thông tin qua mạng, và cho rằng chính Trung Quốc mới là nạn nhân thường xuyên và lớn nhất của các hoạt động gián điệp mạng, nghe lén và do thám của Mỹ. 
“Có một thực tế là các tổ chức của Mỹ vốn nổi tiếng về những hành vi đánh cắp qua mạng có tổ chức với quy mô lớn cũng như tiến hành nghe lén và do thám đối với các nhà lãnh đạo chính trị, các công ty và cá nhân của các nước khác”, tuyên bố của Bắc Kinh rõ ràng ám chỉ tới hoạt động nghe lén của Cơ quan an ninh Mỹ (NSA).
Bắc Kinh cho rằng những cáo buộc của Washington hoàn toàn dựa trên những dữ kiện bịa đặt như vậy là hiển nhiên vi phạm các quan hệ quốc tế thông thường và sẽ làm phương hại đến lòng tin và sự hợp tác Trung – Mỹ. 
Đằng sau vụ việc là gì?
Có vẻ như không có gì lạ trong việc chính quyền cả hai nước Mỹ và Trung Quốc thường tìm cách xâm nhập mạng của các cơ quan chính phủ, quân đội và các công ty của nhau cho mục đích “an ninh quốc gia”. Chẳng hạn, các tài liệu của NSA bị rò rỉ trong vụ Edward Snowden cho thấy cơ quan an ninh này đã thâm nhập vào các mạng nội bộ của hãng viễn thông khổng lồ Huawei của Trung Quốc, nhằm tìm kiếm những mối liên hệ đáng ngờ giữa Huawei và PLA.
Tuy nhiên, Washington đã có sự phân biệt rạch ròi giữa hoạt động tin tặc với danh nghĩa vì an ninh quốc gia và để đánh cắp bí mật thương mại. Vế sau được qui cho phạm tội gián điệp kinh tế, và một khi Bộ tư pháp Mỹ đã công khai các cáo buộc đối với những quân nhân cụ thể của PLA nghĩa là họ đã thu thập đầy đủ các bằng chứng để kết tội.
Nhưng động thái của Mỹ có vẻ mang tính biểu trưng là chính, vì theo các nhà ngoại giao thì Bắc Kinh chắc chắn sẽ từ chối dẫn độ 5 quân nhân PLA tới Mỹ để xét xử, cũng không giam giữ họ trong nước. Còn những người này chắc không lú lẫn tới mức đi du lịch tới Mỹ để bị bắt. Và như vậy, không chắc rằng chỉ bằng những cáo buộc, dù công khai, là đủ để ngăn chặn các cuộc tấn công mạng của tin tặc được cho là từ Trung Quốc làm thiệt hại nền kinh tế Mỹ. Tình hình vi phạm an ninh mạng sẽ chẳng mấy thay đổi, theo đánh giá của nhiều nhà quan sát. 
Vậy thì, câu hỏi lớn là những cáo buộc mới của Mỹ nhằm mục đích gì?  
Phải chăng là để khiêu khích Trung Quốc trả đũa theo cách tương tự. 
Thực tế điều đó đã xảy ra. Bắc Kinh đã tuyên bố đình chỉ hoạt động đối với Nhóm công tác Mỹ - Trung – một nhóm mới được thiết lập vào năm ngoái nhằm tăng cường đối thoại về các vấn đề an ninh mạng giữa hai nước. Và không loại trừ sẽ có thêm biện pháp trả đũa tùy theo tình hình. 
Trong một động thái khác, Bắc Kinh đã ban lệnh cấm các cơ quan chính phủ sử dụng Windows 8, giáng một đòn đáp trả mạnh mẽ nhằm vào doanh nghiệp Mỹ, khi Microsoft đang nỗ lực phổ biến hệ điều hành mới nhất của mình trên toàn cầu.
Trừng phạt kinh tế là biện pháp quen thuộc của Washington để bảo vệ các doanh nghiệp Mỹ cũng như ra yêu sách với các quốc gia khác.

                                                                                                                             Theo PC World VN.