Trung Quốc bị nghi 'chôm' thông tin quốc phòng nhạy cảm của Mỹ

17/06/2015

Hacker liên quan đến Trung Quốc có vẻ như đã tiếp cận thông tin lý lịch nhạy cảm do nhân viên tình báo và quân đội Mỹ trình nộp để được xem xét cấp phép an ninh, khiến họ dễ bị tống tiền.
 
Trong một bản tin viện dẫn nhiều quan chức Mỹ được đưa ra cuối tuần qua, hãng AP cho biết dữ liệu của gần như toàn bộ hàng triệu người có giấy phép an ninh, bao gồm Cơ quan Tình báo Trung ương, Cơ quan An ninh Quốc gia và nhân viên chiến dịch đặc biệt có thể bị xâm nhập trong vụ tấn công nhằm vào Văn phòng quản lý Nhân sự (OPM).
Có thông tin nói rằng hơn 2,9 triệu người đã được điều tra để cấp giấy phép an ninh tính đến tháng 10/2014.
OPM chưa có phản hồi ngay sau khi được yêu cầu bình luận về vụ việc này, nhưng một quan chức cấp cao của Mỹ xác nhân các nhà điều tra đã phát hiện ra một vụ tấn công nhằm vào OPM với mục tiêu là thông tin nhạy cảm về nhân viên cơ quan chính phủ tương tự vụ tấn công được tiết lộ mới đây.
Ảnh minh họa.
Quan chức giấu tên không thể xác nhận việc thông tin bị lấy đi là của nhân viên tình báo và quân đội Mỹ cũng như nơi lưu trữ dữ liệu nhân sự quốc phòng, nhưng ông nhấn mạnh đó chỉ là “một bộ hệ thống và dữ liệu khác của OPM” so với những gì đã bị lộ tẩy trong vụ tấn công trước của hacker và bao gồm dữ liệu lý lịch và các giấy phép an ninh.
Một nguồn tin thân cận với cuộc điều tra nói, các điều tra viên Mỹ nghi ngờ mối liên hệ tương tự giữa hacker Trung Quốc với vụ tấn công được phát hiện sau.
Trước đó vào sáng 12/6, Nhà Trắng cho biết họ chưa thể xác nhận thông tin do AP đưa là 14 triệu cựu và đương kim nhân viên nhân viên chính phủ Mỹ đã để lọt thông tin cá nhân vào tay hacker trong một vụ tấn công khác nhằm vào OPM.
Chính phủ Mỹ trước đó xác nhận hồ sơ của 4 triệu người đã bị xâm hại, biến vụ việc này trở thành một trong những đòn tấn công lớn nhất trong lịch sử nhằm vào các mạng lưới thông tin liên bang. Phát ngôn viên Nhà Trắng Josh Earnest cho biết cuộc điều tra hiện vẫn tiếp tục.
AP đưa tin hacker nghi có liên hệ với Trung Quốc có thể đã tiếp cận Mẫu tài liệu Chuẩn số 86, vốn yêu cầu ứng viên điền thông tin cá nhân về tiểu sử bệnh tâm thần, sử dụng thuốc và thức uống có cồn, tiền án và các khoản nợ.
Mẫu đơn còn yêu cầu liệt kê các mối liên lạc và người thân, tạo ra nguy cơ vạch trần thông tin thân nhân nước ngoài để ép buộc nhân viên tình báo Mỹ. Mẫu đơn còn chứa số an sinh xã hội của ứng viên và người sống cùng họ.
Sau đó trong ngày 12/6, chính quyền của Tổng thống Barack Obama cho biết họ đã ra lệnh cho các cơ quan liên bang tăng cường biện pháp bảo vệ các mạng máy tính Mỹ.
Thông tin trên xuất hiện vào thời điểm Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Susan Rice có cuộc gặp với Phó chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc Phạm Trường Long tại Nhà Trắng. Bà Rice nhấn mạnh Washington và Bắc Kinh cần thu hẹp bất đồng, trong đó có vấn đề an ninh mạng.
Trung Quốc bác bỏ mọi cáo buộc cho rằng nước này đứng sau các vụ tấn công nhằm vào mạng máy tính Mỹ. Các vụ tấn công này, cùng sự bất đồng ngày càng lớn giữa Mỹ và Trung Quốc liên quan đến tình hình tại Biển Đông, đang đe dọa phủ bóng đen lên cuộc đối thoại thường niên về quan hệ chiến lược và kinh tế giữa hai nước.
Giới phân tích quân sự cho rằng hacker Trung Quốc đang sử dụng chiến thuật công nghệ cao để xây dựng một cơ sở dữ liệu khổng lồ phục vụ cho hoạt động gián điệp truyền thống, chẳng hạn tuyển dụng điệp viên hoặc truy cập và chiếm hữu dữ liệu an ninh mạng.

Theo PCWorld.